Giám đốc Công ty Cổ phần Leanwares: Mạng lưới cung ứng ở Việt Nam đang như… mạng nhện, COVID-19 thức tỉnh nhiều doanh nghiệp!

Cùng trao đổi với ông Huỳnh Thanh Trung – Giám đốc Công ty Cổ phần Leanwares, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp về đổi thay trong ngành sản xuất Việt Nam giai đoạn "bình thường mới".
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Leanwares
Suốt một năm rưỡi đối phó COVID-19, hoạt động hỗ trợ đối tác, khách hàng của Leanwares có gì đặc biệt hơn trước, thưa ông?
Leanwares cung cấp giải pháp chuyên môn ở ba mảng: giải pháp công nghệ, giải pháp hệ thống và giải pháp nhân sự.
Dựa trên tình hình chung, chúng tôi cũng hỗ trợ thêm về tài chính cho các doanh nghiệp triển khai. Khi dịch bệnh làm trễ tiến độ các dự án, thị trường biến động, Leanwares chủ động giảm giá gói tư vấn, gói triển khai, hoãn công nợ cho khách hàng… Chúng tôi còn giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng tiềm năng, thị trường tiềm năng để đẩy nhanh đầu ra, từ đó giúp cho dự án chạy tốt hơn.
Tức là phạm vi hỗ trợ khách hàng của Leanwares không giới hạn ở năng suất, chất lượng sản xuất, mà còn mở rộng ra cả chuỗi cung ứng, như tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp, tìm nguyên liệu, lo cả khâu làm bao bì sản phẩm cho khách…
Leanwares còn liên kết với ngân hàng, tổ chức cho vay tài chính, quỹ đầu tư… nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. Nói chung, mô hình của Leanwares trong năm 2020 đã có sự chuyển biến lớn. Ngoài thiết kế, vận hành nhà máy, chúng tôi còn gắn liền với rất nhiều kênh về thị trường, tài chính, nguồn nhân lực, kết nối chuỗi cung ứng cho khách hàng.
Leanwares cung cấp 3 mức độ thiết lập nhà máy: cơ bản, thông minh và xanh. Xin ông cho biết tỷ lệ khách hàng chọn lựa mỗi mức độ là bao nhiêu phần trăm? Tỷ lệ ấy có thay đổi theo thời gian không? Theo xu hướng nào?
Thực tế thì tùy theo quy mô. Nhà máy quy mô nhỏ thường chỉ yêu cầu thiết lập để sản xuất cơ bản: điện, ánh sáng, khí nén, lò hơi… - những yếu tố cơ bản để vận hành được một nhà xưởng. Nhà máy lớn hơn thì bắt đầu đưa thêm những giải pháp về số hóa hay tự động hóa. Dự án 4 – 5 ha có thể đầu tư cả năng lượng mặt trời, hay hướng đến tiêu chuẩn về công trình xanh LEED. Tỷ lệ thiết lập cơ bản chiếm khoảng 90 – 95%. Nhà máy thông minh và xanh vẫn chưa phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Chuyên gia Leanwares thiết lập nhà máy sản xuất cho doanh nghiệp
Lý do là do đầu tư nhà máy thông minh và xanh tốn kém hơn nhiều. Chúng tôi phải chọn những phương pháp quy hoạch phù hợp, đảm bảo được các yếu tố về ánh sáng, thông gió, về không gian, về tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước và những cách xử lý về môi trường... Khi áp dụng các quy định liên quan tới không gian môi trường sản xuất, mật độ xây dựng nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện tài chính mới có thể đầu tư.
Tuy nhiên, nhà máy thông minh và nhà máy xanh đang là xu hướng. Các nhà máy mới do nước ngoài đầu tư đều hướng đến điều này. Lợi ích cuối cùng đạt được chính là hiệu quả vận hành: nhà máy thông minh giảm thiểu rủi ro, bớt phụ thuộc vào con người; còn nhà máy xanh giúp tăng lợi thế cạnh tranh và nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong 6 yếu tố: con người, máy móc, vật liệu, phương pháp, quản lý, truyền thông & môi trường, đâu là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một môi trường làm việc hạnh phúc hơn, theo ông?
Yếu tố luôn được Leanwares chú trọng chính là con người - nguồn nhân lực. Trong mô hình nhà máy hợp chuẩn của Leanwares, yếu tố nguồn nhân lực được đặt ở trung tâm. Nhà máy có hiện đại, đầu tư khổng lồ đến đâu mà hệ thống và nguồn nhân lực có vấn đề, văn hóa doanh nghiệp không phù hợp thì cuối cùng doanh nghiệp đó cũng khó xây dựng được môi trường làm việc hiệu quả, hạnh phúc và bền vững cho nhân viên.
Cho nên trong quá trình thiết lập nhà máy, tất cả các giải pháp Leanwares đưa ra đều hướng đến người lao động, chú trọng quy hoạch các khu vực nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, canteen, nhà để xe, khu vực cung cấp nước sạch cho người lao động uống trong quá trình làm việc. Cả hệ thống phải được tính toán chu đáo, từ ánh sáng đến nhiệt độ, điều hòa không khí… trong khu vực sản xuất.
Không chỉ sức khỏe thể chất, chúng tôi còn quan tâm đến sức khỏe tinh thần của người lao động. Leanwares tham gia vào quá trình xây dựng chính sách công ty ngay từ thiết lập sơ đồ tổ chức, mô tả công việc cho đến chính sách thang bảng lương, các phúc lợi...
Trong quá trình xây dựng hệ thống, chúng tôi cũng đào tạo nguồn nhân lực, phổ biến các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến vận hành nhà máy. Đó chính là bước đầu tiên thay đổi tư duy của người lao động. Tất cả hướng đến mục tiêu cuối cùng là người lao động cảm thấy thật thoải mái, vui vẻ trong giờ làm việc. Có thế họ mới đạt hiệu quả cao, mới cống hiến lâu dài cho công ty.
Tất cả vì một môi trường làm việc hạnh phúc hơn
Yếu tố con người cũng thử thách chúng tôi nhiều nhất, khi phải đảm bảo được sự hài hòa từ chủ doanh nghiệp đến quản lý cấp trung và công nhân. Có khi chủ doanh nghiệp nói họ là công ty gia đình, còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để đầu tư một nhà máy bài bản, chuyên nghiệp như các tập đoàn quốc tế. Leanwares phải thuyết phục họ bằng tính hiệu quả của những giải pháp vì con người ấy, và chứng minh chi phí bỏ ra không quá đáng kể so với toàn bộ dự án.
Tư duy LEAN - tinh gọn - kết hợp như thế nào với phương thức tiếp cận "Không có giải pháp tốt nhất, chỉ có giải pháp phù hợp nhất"?
Thường công ty nào cũng muốn quảng cáo sản phẩm của mình là tốt nhất, nhưng nghề của chúng tôi đòi hỏi phải hài hòa rất nhiều yếu tố để tìm ra được một giải pháp. Chỉ có giải pháp phù hợp nhất với mỗi đặc thù mỗi doanh nghiệp, mỗi mô hình sản xuất, chứ không có giải pháp nào tốt nhất.
Còn với LEAN - tinh gọn - thế giới đã áp dụng trên 50 năm rồi. Chúng tôi hay nói vui là đối với thế giới, LEAN là thuốc chữa bệnh, còn với Việt Nam, LEAN là thuốc bổ. Tức là trong khi các nhà máy sản xuất trên thế giới phải tối ưu ngay từ quá trình quy hoạch, xem LEAN là chuyện sống còn; thì khá nhiều nhà máy Việt Nam hoạt động 5 năm, 10 năm rồi mới bắt đầu áp dụng LEAN - mà làm lúc có lúc không, rất thiếu tính đồng bộ.
Có người còn nói bao nhiêu năm nay không có LEAN họ vẫn làm tốt đó thôi. Tư duy này khiến việc cải tiến và thay đổi của doanh nghiệp Việt rất chậm và cục bộ. Do đó, các nhà máy mới do Leanwares thiết lập đều đưa LEAN vào ngay từ đầu. “Làm đúng ngay từ đầu” sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều so với việc cải tiến những điểm chưa phù hợp của nhà máy cũ.
Ứng dụng LEAN ngay từ đầu giúp nhà máy sản xuất hiệu quả hơn
Theo ông, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam thay đổi thế nào trong giai đoạn bình thường mới và sau đại dịch?
Chuỗi cung ứng không chỉ là logistics liên quan đến hàng hóa vật lý, mà là chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Nếu không tối ưu hóa chuỗi cung ứng này, doanh nghiệp nào cũng phải sở hữu những nhà kho khổng lồ, tiêu tốn chi phí tồn kho lớn, để tích trữ nguyên liệu, tích trữ bán thành phẩm, tích trữ hàng hóa, phụ kiện, linh kiện…
Hiện nay, mạng lưới cung ứng cho sản xuất ở Việt Nam rất zig zag. Chẳng hạn một nhà máy gỗ ở Bình Dương muốn làm ra thành phẩm phải chở nguyên liệu từ Daklak, bao bì từ Tây Ninh, hardware từ Long An… Hàng ngàn nhà máy như vậy tạo nên bức tranh chuỗi cung ứng Việt Nam chằng chịt như mạng nhện, hỗn loạn và vô cùng lãng phí. Muốn khắc phục tình trạng này, cần những tính toán kỹ lưỡng khi quy hoạch những khu công nghiệp liên hợp và chuyên ngành.
COVID-19 là một thảm họa của nhân loại, nhưng nó cũng có “tác dụng” như chất xúc tác khiến các doanh nghiệp Việt Nam nhận ra nhiều vấn đề trong khâu quản lý, vận hành, và buộc họ phải điều chỉnh lập tức để tồn tại. Nhiều công ty đã liên minh lại, tham gia các hội nhóm để chia sẻ thông tin, phối hợp cùng nhau… nhằm vượt qua khó khăn.
Leanwares cũng nỗ lực liên kết các nhà sản xuất vừa và nhỏ (SMEs) với nhau để giúp họ tiếp cận được nhà máy cung ứng trang thiết bị, cũng như tiêu thụ thành phẩm, góp phần cải thiện chuỗi cung ứng.
Xin cảm ơn ông đã dành cho WE cuộc trao đổi rất bổ ích. Chúc ông nhiều sức khỏe, chúc Leanwares ngày càng lớn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.