Những “gã khổng lồ” công nghệ châu Á vẫn phát triển bất chấp đại dịch

Những “gã khổng lồ” công nghệ châu Á vẫn phát triển mạnh mẽ trong đại dịch.
Theo thống kê từ công ty tư vấn và phân tích dữ liệu GlobalData, nhiều công ty công nghệ hàng đầu châu Á vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ với doanh thu tăng trung bình hơn 5%.
Danh sách này bao gồm những “gã khổng lồ” đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp kỹ thuật số, phần mềm, phần cứng, thương mại điện tử và viễn thông… dựa trên vốn hóa thị trường, doanh thu và cả số lượng nhân viên trong nửa đầu năm 2021.
Tencent
Đầu tiên trong danh sách này phải kể đến gã khổng lồ Trung Quốc Tencent. Tencent còn được biết đến với cái tên thuần Việt là Đằng Tấn. Đối với người hâm mộ thường xuyên theo dõi Cbiz, chắc chắn không thể không biết đến nền tảng giải trí truyền hình online nổi tiếng này.
Tencent – Thâm Quyến, Trung Quốc
Đây là tập đoàn công nghệ, thương mại điện tử, kỹ thuật số, và là một trong những công ty lớn nhất trong ngành công nghiệp game được thành lập vào năm 1998. Với doanh thu hàng năm 55 tỷ USD và số lượng nhân viên 63.000 người, Tencent hiện nay đang là tập đoàn công nghệ, kỹ thuật số hàng đầu châu Á với hơn một tỷ người sử dụng các dịch vụ của họ mỗi ngày, bao gồm: các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, cổng web, hệ thống thanh toán, dịch vụ Internet, game trên điện thoại thông minh và nhạc trực tuyến.
Gần đây, Tencent đã lấy được quyền phân phối độc quyền các thương hiệu James Bond và Star Wars tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ cũng đang nắm giữ 5% cổ phần của Tesla và 12% cổ phần của Snap (công ty sở hữu ứng dụng SnapChat).Trụ sở chính của Tencent nằm ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến.
Alibaba Group
Alibaba hiện là một trong những nền tảng thương mại lớn nhất ở Trung Quốc và thậm chí là trên thế giới, thu hút sự chú ý của hầu hết người dùng bởi giá cả phải chăng và lượng hàng hóa vô cùng đa dạng. Thành lập ngày 4/4/1999, đến nay, Alibaba sở hữu 117.600 nhân viên với doanh thu hàng năm khoảng 73 tỷ USD.
Tập đoàn của tỷ phú Jack Ma cung cấp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng các dịch vụ ở nhiều lĩnh vực thông qua nền tảng thương mại điện tử, cũng như điện toán đám mây, hệ thống tìm kiếm nâng cao. Chưa kể đến các phương tiện kỹ thuật số và giải trí khác.
Alibaba Group – Hàng Châu, Trung Quốc
Bên cạnh đó, Alibaba còn xây dựng hệ sinh thái vững chắc cho tập đoàn với rất nhiều công ty con và nền tảng liên kết chặt chẽ với nhau. Một trong số đó là công ty liên kết Ant Financial – công ty công nghệ tài chính thành công nhất trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng của mình, Alibaba thậm chí được dự đoán là có khả năng đánh bật Amazon khỏi vị trí độc tôn của mình.Trụ sở chính của Alibaba được đặt tại Hàng Châu, Trung Quốc.
TSMC
Cái tên tiếp theo được đề cập đến là gã khổng lồ trong ngành bán dẫn đến từ Đài Loan – TSMC, với doanh thu hàng năm khoảng 39 tỷ USD và 51.300 nhân viên. TSMC là nhà sản xuất vi mạch bán dẫn sở hữu nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Sản phẩm của nó được sử dụng trong các ngành công nghiệp máy tính, truyền thông, điện tử tiêu dùng, ô tô và thiết bị công nghiệp.
TSMC – Tân Trúc, Đài Loan
Sự tăng trưởng của TSMC xuất phát từ nhu cầu đối với nền tảng điện toán hiệu suất cao nhằm thực hiện và tăng tốc các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số cho các nền tảng điện thoại thông minh 5G và IoT. Có thể dễ dàng kể tên một vài khách hàng lớn của TSMC như AMD (Advanced Micro Devices), Broadcom, Nvidia hay Qualcomm.
Thậm chí ngay cả Intel, STMicroelectronics và Texas Instruments cũng đang sử dụng TSMC cho một số sản phẩm của họ. Tuy nhiên, khách hàng quan trọng nhất của TSMC không ai khác chính là “ông lớn” công nghệ Apple.TSMC được thành lập vào năm 1987 bởi Morris Chang, trụ sở hiện tại nằm ở Tân Trúc, Đài Loan. Ngoài ra, công ty cũng có các công ty con ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ và văn phòng đại diện ở nhiều nơi như châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản.